Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

"Các bạn đừng xếp hàng đi mua vé bóng đã nữa"

Đừng nên mua vé nữa, cho dù bạn có yêu đội tuyển đến mức nào.    Đặng Thế Anh là một cây viết thể thao lâu năm, và trên hết, là một người yêu bóng đá. Nhưng anh viết đến cho "Thư gửi một người" một lá thư bày tỏ nỗi xót xa với những người đang phải xếp hàng mua vé bóng đá trong những ngày giá rét trước sân Mỹ Đình, và khuyên họ rằng: Đừng nên mua vé nữa, cho dù bạn có yêu đội tuyển đến mức nào.

 Gửi các bạn, những người đã xếp hàng mua vé Đầu thư, tôi xin chúc mừng các bạn nếu bạn đã mua được vé trận Việt Nam-Malaysia. Với chiến thắng 2-1 hôm nay, giá chiếc vé trong tay bạn đã tăng lên nhiều lần. Đặc biệt chúc mừng, nếu ngay từ đầu bạn xếp hàng ở đó để "phe". Đêm trước ngày bán vé trận bán kết lượt về AFF Cup giữa Việt Nam và Malaysia, nhiệt độ Hà Nội có lúc xuống đến 10 độ C, rét buốt. Nhưng vẫn có nhiều người nằm vạ vật trước sân Mỹ Đình để chờ mua vé. Nhìn các bạn, tôi buồn đến tê lòng. Có cảm giác tình yêu bóng đá của đông đảo người hâm mộ đang bị chà đạp, bị lợi dụng. Sự sợ hãi nhen nhóm thành nghi ngờ, liệu trong đám đông kia, bao nhiêu người chịu khổ để mua vé vào sân cổ vũ cho đội tuyển.
Tôi chúc mừng bạn, người có đủ can đảm để xếp hàng mua vé. Tôi ở cách Mỹ Đình chưa đầy 10 cây số, thu nhập tương đối ổn định, nhưng việc đi xem đội tuyển thi đấu vẫn là điều gì đó quá xa xỉ. Sau khi đọc thông báo của VFF về việc bán vé trận bán kết lượt về trận AFF Cup 2014 giữa Việt Nam và Malaysia, cảm giác đầu tiên của tôi là sợ sệt. Phải thành thực, tôi luôn mang trong mình cảm giác đó khi nghĩ đến việc đi mua vé xem một trận đấu yêu thích của đội tuyển. Cái sợ không đến từ việc giá vé tăng nhẹ so với vòng bảng.
 Tôi nghĩ tăng thế còn ít, vậy mà vẫn có nhiều người “gào ầm” lên, chỉ trích VFF. Cái đó không đáng sợ, cũng không đáng chỉ trích. Tôi sợ cảnh vật vạ ngoài sân Mỹ Đình để tìm mua một chiếc vé đúng giá. Một lần tôi đã đi xếp hàng thử và cạch đến già. Đừng bảo tôi không có đủ đam mê, tôi chỉ sợ cách bán vé của VFF và cách mua vé của những người chen lấn trong đám đông kia. Tôi đoán chỉ có số ít người thực sự muốn xem tuyển Việt Nam sẵn sàng chen lấn trong hàng người dài cả trăm mét đấy
. Rất nhiều, rất nhiều người lao vào như thiêu thân mua vé để chuộc lợi. Họ mua giá gốc và bán gấp đôi, gấp ba sau đó. Nhiều người phải lắc đầu ngao ngán vì sự hung hăng của họ. Nhưng thôi, những kẻ cố gắng kiếm chút lợi cho bản thân đó thật sự đáng trách hay không, tôi có lẽ không có quyền phán xét.
 Dù sao, họ cũng là những cá nhân đơn lẻ, và một chút ích kỷ phát sinh trong thời buổi kinh tế khó khăn là điều dễ hiểu. Kẻ đáng trách là cả một “hệ thống”, là những người tổ chức bán vé, hay đích danh ở đây là VFF. Nếu đây là bức tâm thư, có lẽ tôi cần cầu xin họ thay đổi. Nhưng tôi muốn viết giống bức thư “tố cáo” nhiều hơn. Tố cáo việc đã xảy ra như chuyện hiển nhiên phải vậy trong nhiều năm qua.
 Nghe thật đắng lòng. Tôi chắc chắn không phải người đầu tiên sợ hãi việc mua vé, cũng không phải người đầu tiên bức xúc với chuyện này. Nhưng có lẽ tôi là người đầu tiên lên tiếng!? Đã đến lúc phải chấm dứt cách bán vé mập mờ của các anh, VFF ạ. Chỉ cần đọc thông báo của các anh, tôi đã thấy có gì đó không ổn. Số % vé được phân phối rõ ràng. 60% bán trực tiếp ở các đại lý tại sân Mỹ Đình và qua tổng đài 1080 Hà Nội. 40% bán qua đường công văn. Nhưng tuyệt nhiên không ai biết số lượng vé đó chính xác là bao nhiêu vé.   Rồi tôi tự hỏi, tại sao phải bán vé qua đường công văn. Có gì đó giống như phân biệt giai cấp lao động ở đây không? Tại sao một anh xe ôm, một bạn sinh viên… không có cơ hội mua vé một cách dễ dàng hơn một anh nhân viên văn phòng, cho dù độ cuồng nhiệt của họ có thể hơn.
Rồi tôi tự hỏi, 60% số lượng vé là bao nhiêu vé. Tại sao tổng đài 1080 chỉ được bán vài trăm vé, và hết ngay đầu giờ sáng. Tôi đố các bạn có thể mua vé qua kênh phân phối này. Và trong hàng nghìn người chen lấn trước Mỹ Đình, phải nhận tíc-kê để tiếp cận quầy bán vé (quầy bán chứ không phải đại lý) có bao nhiêu người lọt được vào trong và mua hết bay vé chỉ trong vài tiếng đồng hồ, khi mà mỗi người chỉ được mua tối đa 4 vé. Nghĩ đến đây tôi lại giật mình nhớ ra cảnh những tay phe vé săn đón người đến sân. Trong tay họ luôn có sẵn một sập vé đủ các loại, trông thật “kỳ diệu” và đáng sợ.
Vé rất sẵn, chỉ có điều giá có thể bị đẩy lên gấp 2, gấp 3 lần tùy sức nóng của trận đấu. Có quá nhiều điều không ổn các anh VFF ạ. Các anh “độc quyền” vé, nên các anh có quyền lựa chọn cách bán vé!? Giá mà các anh nghĩ đến người hâm mộ nhiều hơn, thì họ đã không phải phát sợ cảnh mua vé, rồi sợ lây sang chuyện đến sân xem những trận đấu ít nóng hơn của đội tuyển. Các anh có thấy buồn cười không khi cố gắng kêu gọi mọi người đến sân cổ vũ cho đội tuyển ở vòng bảng AFF Cup 2014, để rồi “hành hạ” họ khi đội tuyển tiến sâu hơn. Giá mà các anh công khai số lượng vé dành cho cổ động viên nhà, giá mà các anh mở lấy chục quầy bán vé ở sân Mỹ Đình, hay hiện đại hơn, mở ra những kênh mua vé trực tuyến, những người yêu bóng đá đơn thuần như tôi đã không phải sợ đến sân.
Đừng nói các anh không có kinh phí, khi 1 tỷ đồng được vung ra thưởng nóng cho đội tuyển chỉ sau chiến thắng ở vòng bảng. Tôi sợ cảnh chen lấy xô đẩy một phần, tôi sợ tiếp tay cho tư tưởng xấu xí của các anh và một bộ phận nhỏ khác mười phần. Tôi có thể chi tiêu dè xẻn trong 1 tháng để dành tiền mua vé chợ đen, thỏa đam mê cổ vũ cho đội nhà, nhưng tôi không làm. Tôi không muốn một việc xấu dần trở thành điều đương nhiên. Tôi không muốn thỏa hiệp với tư tưởng chộp giật của các anh. Tôi viết thư này gửi các anh, những người bán vé, và gửi luôn cả những người sẵn sàng trắng đêm, sẵn sàng bỏ thêm tiền để vào xem đội tuyển hay những người muốn làm ăn chộp giật nhân dịp này, đã đến lúc tất cả cần dừng lại.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Copyright © 2012 Tin Tức 29 All Right Reserved